Những yếu tố nào chi phối giá vàng tuần 2 tháng 6/2018

 Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.292USD/oz, giá vàng quốc tế giao ngay đã dao động trong biên độ 1.289- 1.304USD/oz và đóng cửa ở mức 1.298USD/oz. Như vậy, giá vàng quốc tế chỉ tăng hơn 0,3% so với mức giá đóng cửa cuối tuần trước.

Hình ảnh có liên quan
Những yếu tố nào chi phối giá vàng tuần 2 tháng 6/2018 (Hình ảnh minh hoạ)

Dao động trong biên độ hẹp

Trong tuần này giá vàng vẫn có xu hướng điều chỉnh, củng cố trong biên độ khá hẹp. Sở dĩ giá vàng đã tăng nhẹ trong tuần này là do Canada và Pháp đã phản đòn quyết liệt đối với quyết định của Tổng thống Trump ngừng miễn trừ thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu vào Mỹ từ EU, Canada và Mexico. Điều này đã tạo ra những tranh luận gay gắt về thương mại giữa Mỹ và các thành viên G7 tại Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức vừa qua tại Canada.

Những nguyên nhân quan trọng khác khiến giá vàng đi ngang trong tuần này là do các nhà đầu tư gần như đã đứng ngoài thị trường để chờ đợi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều và cuộc họp của Fed, của ECB trong tuần tới.

"Chúng tôi đã tạm ngừng giao dịch vàng trong tuần này để tránh những rủi ro không đáng có từ những sự kiện quan trọng trong tuần tới. Giá vàng sẽ khó vượt qua 1.307USD/oz cho tới khi những kết quả của Thượng đỉnh Mỹ- Triều, cuộc họp của Fed và ECB được công bố", ông Robert, CEO của một doanh nghiệp vàng ở Anh cho biết.

Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng gần như chỉ đi ngang trong biên độ hẹp từ 36,59- 36,66 triệu đồng/lượng đến 36,64- 36,72 triệu đồng/lượng. Theo đó, mỗi lượng vàng chỉ điều chỉnh tăng/giảm khoảng 60.000đ/lượng. Chính sự ít biến động của giá vàng trong tuần này, mà phần lớn các nhà đầu tư trong nước cũng do dự khi tham gia thị trường. Bởi vậy, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế quy đổi vẫn ổn định ở mức khoảng 1 triệu đồng/lượng.

Kỳ vọng phục hồi nhẹ  

Tổng thống Trump đã từng bật tín hiệu có thể sẽ không gây sức ép đối với Triều Tiên để đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa ngay tại Hội nghị thượng đỉnh lần này. Do đó, hội nghị này dù chưa mang lại kết quả như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế, nhưng cũng sẽ làm giảm bớt lo ngại của giới đầu tư về những bất ổn trên bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, việc kỳ vọng Fed tăng lãi suất vào cuộc họp ngày 13/6 sắp tới gần như đã tác động hết vào giá vàng trong thời gian qua. Bởi vậy, nếu Fed tiếp tục tăng thêm 25 điểm phần trăm lãi suất trong kỳ họp lần này, nhưng vẫn tỏ ra thận trọng với kế hoạch thặt chặt tiền tệ của mình, thì có thể sẽ khiến USD giảm, đẩy giá vàng tăng.

"Mặc dù lạm phát đã gần đạt mức mục tiêu của Fed, nhưng việc một số quốc gia trả đũa đối với quyết định áp thuế nhập khẩu thép, nhôm của Mỹ có thể sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế nước này. Điều này có thể sẽ khiến Fed phải cân nhắc kế hoạch tăng lãi suất của mình", ông Phillip Streible cho biết và nhận định, nếu kịch bản đó xảy ra, thì giá vàng có thể sẽ tăng lên vùng 1.320USD/oz trong tuần tới.

Bên cạnh đó, cuộc họp của ECB cũng là tâm điểm thu hút sự chú ý của giới đầu tư trong tuần tới, vì NHTW này sẽ xem xét bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ, trong đó có việc xem xét sớm chấm dứt chương trình mua trái phiếu hiện hành. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho EUR, qua đó hỗ trợ cho giá vàng.

 

Ngoài ra, Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa kết thúc với nhiều mẫu thuẫn, trong đó Tổng thống Trump bác bỏ tuyên bố chung G7. Điều này có thể sẽ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Canada, EU, góp phần làm gia tăng nhu cầu đầu tư vàng làm nơi trú ẩn an toàn.

Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng hiện vẫn chưa có xu hướng rõ ràng trong ngắn hạn. Hiện tại, mức 1.307USD/oz vẫn đang là mức kháng cự quan trọng, kế tiếp là vùng 1.315- 1.325USD/oz. Trong khi đó, mức 1.277USD/oz đang là vùng hỗ trợ quan trọng trong ngắn hạn, kế tiếp là 1.234USD/oz.


Phản hồi của bạn